HỘI THẢO THAM VẤN
ỨNG DỤNG VÀ TÁC ĐỘNG CỦA GIỐNG LÚA CẢI TIẾN TẠI VIỆT NAM
(ADOPTION AND IMPACT OF IMPROVED RICE VARIETIES IN VIETNAM)
Ngày 22 tháng Hai năm 2023, IRRI đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Ứng dụng và tác động của giống lúa cải tiến tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức tại khách sạn TTC, thành phố Cần Thơ. Dr. Rowell Dikitanan, đại diện Văn phòng IRRI (Việt Nam) chủ trì hội thảo.
Đại diện cho HATRI được mời tham dự là GS Nguyễn Thị Lang và GS Bùi Chí Bửu (nhà chọn giống lúa thâm niên). Tham gia hội thảo còn có đại diện nhà chọn giống của tập đoàn Lộc trời, Cục Trồng trọt ở phía nam, công ty giống cây trồng miền nam, Viện Lúa ĐBSCL, Viện KHKTNNMN, Đại Học Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Thái Bình, Nghệ An, Nam Định
Ông Hà Quang Dũng, Giám Đốc, Trung Tâm khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia, đã báo cáo đề dẫn về hoạt động khảo nghiệm giống lúa mới, với những điều khoản vừa được sửa đổi trong luật trồng trọt 2018, kèm theo những giải thích.
Ông Frederic Kosmowski, nghiên cứu viên của SPIA (Spanning Panel of Impact Assessment: Hội đồng đánh giá tác động mở rộng), thuộc CGIAR trình bày “Đo lường mức độ sử dụng các giống lúa, từ khảo sát mức sống dân cư năm 2022”. Ông giới thiệu các hoạt động nghiên cứu của CGIAR-SPIA tại Việt Nam, với các phương pháp đo lường khách quan trong điều tra nông nghiệp. Họ đã có kết quả tổng hợp ban đầu (stocktake preliminary results). Có 85 đổi mới sáng tạo và 25 chính sách có ảnh hưởng nhất định. Trong đó 23 đổi mới sáng tạo (stocktakes) được áp dụng phổ biến. Năm 2022, SPIA đã tiến hành xác định giống lúa bằng DNA fingerprinting (đa hình dấu vết DNA) với 341 giống lúa cải tiến được phát triển tại Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin về ông bà, bố mẹ và nguồn gốc giống vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ. Bên cạnh đó, dữ liệu DNA fingerprinting vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Valerien Pede, nhà nghiên cứu thuộc “Chính Sách chuyển đổi và đầu tư”, chương trình “Tác động bền vững trong hệ thống lúa gạo”, IRRI, trình bày kết quả “Đánh giá hiệu quả đầu tư cải tiến giống lúa”. Nửa thế kỷ qua, các tổ chức quốc gia và quốc tế đã nổ lực huy động nguồn đầu tư rất lớn về vốn và con người; đặc biệt là vai trò của CGIAR, cụ thể là Viện Lúa Quốc Tế (IRRI). Tỷ lệ giữa lợi ích và chi phí (BCR) là 22 ở Indonesia, Philippines, Việt Nam. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ là 28% (Brennan và Malabayabas 2011). IRRI tiếp tục yêu cầu các thành viên cung cấp dữ liệu bao gồm danh sách giống lúa từ 1990 cho đến nay; chi phí đầu tư mỗi năm là bao nhiêu cho R&D và khuyến nông. Cục Trồng Trọt ghi nhận: ở đồng bằng sông Cửu Long, có 5 giống lúa chủ lực với diện tích gieo trồng hàng năm (3 vụ) là OM 5451 (714 nghìn ha); OM 18 (701 nghìn ha); Đài Thơm 8 (692 nghìn ha), IR50404 (88 nghìn ha); OM 4900 (85.600 ha). Đầu tư R&D và khuyến nông ước 4 tỷ VND để phát triển một giống lúa, và 1,4-1,5 tỷ đồng để hoàn thành thủ tục khảo nghiệm, trồng thử phục vụ nội dung công nhận giống mới.
Thảo luận chuyên đề (panel discussion) tập trung về lịch sử phát triển giống lúa cải tiến ở ĐBSCL, hiện trạng giống lúa phẩm chất cao, phương pháp lai tạo truyền thống kết hợp với phương pháp chọn giống phân tử; MAS và NGS được khuyến khích thực hiện, nếu đánh giá kiểu hình yêu cầu công cụ (phytotron) rất đắt tiền (ví dụ: tính trạng chống chịu nóng, lạnh, ...); đánh giá phenotyping hết sức cần thiết và mang tính quyết định khi phát triển dòng lúa mới trên đồng ruộng; nguồn vật liệu bố mẹ cần được đầu tư đúng mức, ....
Bùi Chí Bửu, HATRI