ĐI VÀ HỌC - KÝ SỰ CỦA GIÁO SƯ BÙI CHÍ BỬU (Tập 2)
Lời giới thiệu
Ký sự trên đường công tác của Bùi Chí Bửu tập Hai, phản ánh chặng đường "Đi và Học”chủ yếu ở quê hương Việt Nam. Ông bà mình nói "đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Tác giả vừa học, vừa chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, qua những ký sự nông nghiệp và cộng đồng. Đi để học. Học để chuyển đổi kiến thức từ hạt sạn thành viên kim cương. Học để yêu quê hương nhiều hơn! Quyển Một nói về hành trình quốc tế, cộng thêm các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đà Nẵng, Ninh Thuận. Những địa danh ấy, tác giả đã xin phép không nhắc lại trong quyển Hai này. Tác giả là chuyên viên nông nghiệp, nghiên cứu lúa gạo từ 1977 đến nay. Tôi từng là người đồng hành với tác giả trong chặng đường nghiên cứu cây lúa trong hơn 40 năm qua. Những cảm xúc thật lòng được trình bày khá tinh tế. Ông đam mê nghiên cứu bảo tồn ngân hàng gen cây lúa, đặc biệt loài lúa hoang ở miền Nam. Tác giả may mắn được Bộ Trưởng giao nhiệm vụ chủ nhiệm chương trình quốc gia về giống cây trồng, vật nuôi (2001-2006), đề tài giống lúa xuất khẩu và nhiều đề tài giống cây trồng khác. Đó là điều kiện để tác giả đi khắp mọi miền đất nước. Tác giả đã sưu tầm và học nhiều điều, từ ca dao, tục ngữ của vùng miền; lịch sử phát triển với những người có ảnh hưởng lớn tại nơi đã qua. Tác giả còn ghi chép nhiều chuyện kể dân gian thật sâu lắng và đầy tính nhân văn, phản ánh văn hóa vùng miền vô cùng đa dạng. Những người bạn quốc tế đã cùng đồng hành với tác giả luôn được nhắc nhở trang trọng trên từng chặng đường công tác, nhất là thời kỳ gian khó. Ngôi nhà sàn miền sơn cước, hoặc tây nam bộ, đẹp mê hồn đã thu hút khách viễn du nhiều hơn những tòa cao ốc hiện đại. Cánh buồm xưa lồng lộng gió trời luôn hấp dẫn lạ kỳ, cho dù hôm nay chúng ta ra khơi bằng tàu lớn. Chúng tôi xin phép giới thiệu quyển Hai và cám ơn sự chia sẻ, ủng hộ của bạn đọc. Mong đợi thật lòng những ý kiến đóng góp của quý vị.
GS.TS. NGUYỄN THỊ LANG
ĐI VÀ HỌC - KÝ SỰ CỦA GIÁO SƯ BÙI CHÍ BỬU (Tập 3)
Lời giới thiệu
Đi nhiều để học được nhiều và để chuyển đổi; "biến những hạt sạn kiến thức thành kim cương", đặc biệt là chuyển đổi chính bản thân mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước. GS. Bùi Chí Bửu luôn xem đất Bắc như cội nguồn của tổ tiên của những cư dân vùng sông nước Tây Nam Bộ. Ông thường nhắc câu thơ của tướng quân Huỳnh Văn Nghệ: “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Cho dù thời gian trải nghiệm của ông ở miền núi, trung du và đồng bằng sông Hồng không nhiều bằng các tỉnh phía Nam, nhưng cảm xúc tràn đầy. Ông rất tâm đắc với câu nói của Augustine: "Thế giới là một cuốn sách, và ai không đi, chỉ đọc được một trang”. Ông lang thang từ Hà Giang, cái xứ "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" cho đến vùng trung du rừng cọ, đồi chè Phú Thọ, với nương chiều thơ mộng. Ông xuôi dòng sông Đà, sông Hồng về đến Vĩnh Phúc, rồi đến đồng bằng phì nhiêu có nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm. Ở đó, thủ đô Hà Nội đã và đang gắn liền với thăng trầm của lịch sử dựng nước và giữ nước. Thủ đô đang bảo tồn biết bao di tích lịch sử văn hóa và huyền thoại. Đi đâu ông cũng tìm hiểu con người có ảnh hưởng nhất định đến từng thời kỳ phát triển của đất nước. Ông ghi chép cẩn thận tục ngữ, ca dao vùng miền; đặc biệt sự hiếu học của người Việt qua rất nhiều biến cố của dòng chảy lịch sử. Cảm xúc thật lòng trước sự đổi mới của đất nước! Rất mong sự đóng góp của quý đọc giả.
GS.TS. NGUYỄN THỊ LANG
Quý đọc giả quan tâm mua sách xin liên hệ: 0949743015